'Tắt não, mở ChatGPT'

26/04/2025
|
0 lượt xem
Giáo Dục Góc Nhìn
'Tắt não, mở ChatGPT'

Đoạn trào phúng từ trang Writer Pocket trên Instagram đã thu về hơn 159.000 likes, 896 bình luận, tính đến thời điểm tôi đọc được. Cảnh báo chỉ mang tính hài hước nhưng rõ ràng khiến nhiều người, trong đó có những người trong ngành giáo dục như tôi, phải suy nghĩ.

Tôi bắt đầu làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin từ năm 2012 và trở thành nhà giáo chuyên nghiệp từ năm 2021. Nhờ vậy, trải nghiệm về giáo dục và phát triển con người của tôi có thêm cái nhìn đa chiều và đổi mới nhờ công nghệ, đặc biệt là từ khi ChatGPT ra đời.

Hiếm có ứng dụng nào lập được kỷ lục như ChatGPT, với một triệu người dùng chỉ sau 5 ngày ra mắt. Theo thống kê của Similarweb, tính tới tháng 12/2024, trung bình mỗi tháng có hơn 3,7 tỷ lượt truy cập ChatGPT với khoảng 6 phút 25 giây mỗi lần.

Thời gian đầu, theo tâm lý "cái gì chưa rõ thì cấm cho chắc", các nhà giáo phản đối việc sử dụng GenAI (Trí tuệ nhân tạo tạo sinh). Sinh viên dùng GenAI làm bài tập bị coi như đạo văn. Trường đại học quốc tế mà tôi công tác đã ứng dụng phần mềm chỉ ra bài luận nào sử dụng AI và dùng bao nhiêu phần trăm, từ đó có các hình thức xử phạt phù hợp cho sinh viên.

Nhưng chỉ sau vài tháng thích ứng, việc sử dụng AI được nhiều trường quốc tế bình thường hóa, thậm chí chúng tôi cổ vũ sinh viên trải nghiệm công nghệ mới thường xuyên hơn để trang bị kỹ năng số. Ở một trường mà tôi dạy, các môn thường xuyên được cho phép sử dụng AI ở mức độ 3, trong 5 mức độ được nhà trường công bố, bao gồm:

Mức 1: Không được sử dụng AI dưới bất kỳ hình thức nào. Sinh viên cần dựa vào kiến thức, sự hiểu biết và kỹ năng của bản thân.

Mức 2: AI có thể được sử dụng trong quá trình chuẩn bị bài làm, từ việc giúp cung cấp ý tưởng và cấu trúc nội dung. Tuy vậy, nội dung AI tạo ra không được phép đưa vào bản thảo nộp cuối cùng.

Mức 3: AI có thể được sử dụng để biên tập lại ngôn ngữ do sinh viên tự viết nhằm cải thiện chất lượng bài, tuy vậy, không được dùng để tạo ra nội dung mới. Sinh viên cần nộp kèm bản gốc không có AI chỉnh sửa trong phần phụ lục.

Mức 4: AI được sử dụng để hoàn thành một số phần cụ thể trong bài tập với điều kiện sinh viên cung cấp phần thảo luận hoặc bình luận về nội dung do AI tạo ra. Mức độ này yêu cầu sinh viên thể hiện khả năng phản biện và bất kỳ nội dung nào của AI phải được trích dẫn rõ ràng.

Mức 5: AI được sử dụng như một đối tác đồng hành để hợp tác và cùng sáng tạo. Sinh viên có thể dùng AI trong suốt quá trình hoàn thành bài tập và không cần nêu rõ nội dung nào do AI tạo ra.

Vậy nhưng, sự thích ứng này là chưa đủ.

Dù chúng tôi đưa ra yêu cầu ở mức độ nào, hai học kỳ gần đây tôi vẫn đọc hàng trăm bài báo cáo đậm dấu ấn ChatGPT, Gemini hay DeepSeek. Những câu lệnh (prompt) chung chung được đưa ra theo kiểu "Hãy cho tôi một ý tưởng kinh doanh sáng tạo cho bài tập cuối kỳ của môn Business Creation & Innovation" và những câu trả lời nhân bản vô tính được sao chép và dán (copy-paste) khắp mọi nơi. Thay vì sử dụng AI như những trợ lý ảo thông minh cho mình, chúng ta đang chứng kiến một thế hệ của những cỗ máy copy-paste và ngừng đào sâu suy nghĩ, hình thành thói quen mới ‘tắt não, mở ChatGPT’.

Tôi đặt câu hỏi cho ChatGPT về điểm yếu của nó, ứng dụng này đã thẳng thắn trả lời: Nếu ChatGPT là sinh viên, thì đó là người luôn giơ tay phát biểu nhưng điểm chỉ đủ qua môn. Cũng theo ChatGPT tự nhận, ứng dụng này mắc một số lỗi cơ bản gồm: Một là bịa thông tin - đôi khi ChatGPT tự chế ra dữ kiện hoặc dẫn nguồn không có thật nhưng nghe vẫn rất thuyết phục do khả năng tự suy luận dựa trên nhiều nguồn dữ liệu (kể cả dữ liệu không xác thực) và đưa ra các phỏng đoán nhanh; hai là không có kiến thức thời gian thực và bị hạn chế truy cập vào một số báo cáo hoặc trang web uy tín; ba là không hiểu ngữ cảnh sâu sắc - dù có thể nhớ mọi đoạn hội thoại trong phiên trò chuyện, ChatGPT vẫn có thể quên tính toán tới những chi tiết quan trọng.

Vậy thì trường học nên thay đổi những gì để giúp thế hệ tương lai thoát khỏi sự lệ thuộc vào AI?

Trước hết, trường cần bổ sung nội dung học tập nền tảng để hình thành thói quen mới, trong đó có Phương pháp học tập và nghiên cứu khoa học sử dụng AI, và Đạo đức và thái độ của con người trong kỷ nguyên AI. Phương pháp học tập là kiến thức nền tảng, việc thay đổi nội dung này cho phù hợp giai đoạn phát triển sau của GenAI nên là ưu tiên của các nhà giáo dục khi điều chỉnh nội dung chương trình. Trong khi đó, Đạo đức và thái độ con người trong kỷ nguyên AI là vấn đề quan trọng không kém gì Chuẩn mực hành vi (Code of Conduct), đề tài được đào tạo bắt buộc tại các tổ chức lớn trên thế giới. Những nội dung này cần được dạy mỗi đầu kỳ để định hướng tư duy và thái độ cho học sinh, lặp lại và kiểm soát để đảm bảo hình thành trong cộng đồng những thói quen mới.

Tiếp theo là thay đổi cách tổ chức lớp học và kiểm tra năng lực. Thay vì những bài luận và báo cáo, chuyển chúng sang các dự án yêu cầu thuyết trình, phản biện giữa các nhóm sinh viên hoặc phản biện giữa sinh viên và giảng viên, xây dựng các hội đồng đánh giá và tăng cường thi vấn đáp.

Điểm thứ ba, cũng không kém phần quan trọng, là phát triển năng lực giảng viên. Các thầy cô giáo ở các cấp cũng cần bỏ qua sĩ diện và cái tôi để tìm tòi đào sâu về GenAI. Trong đó, các nhà giáo dục cần nhận thức được các cấp độ kỹ năng Prompting (viết câu lệnh cho ứng dụng) và cố gắng để kỹ năng này vượt lên mức độ 3 trở lên (với mức độ 1 - Prompt Explorer, mức độ 2 - Prompt Crafter, mức độ 3 - Prompt Designer, mức độ 4 - Prompt Strategist và mức độ 5 - Prompt Architect). Nhờ vậy, khi phản biện những câu trả lời hay bài viết của học sinh, thầy cô có thể nhanh chóng phát hiện ra lối tư duy nào của AI, lối tư duy nào của học trò.

Học sinh và sinh viên bây giờ không thiếu công cụ, nhưng có thể các em đang thiếu niềm tin vào chính mình và sự dẫn dắt đúng cách của người lớn.

Haley Phan

Tin liên quan
Tin Nổi bật